Nhà báo Trần Mai Hạnh: Nghĩa tình còn lại mãi…

03-04-2024 14:24

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa đột ngột ra đi đêm 2/4 tại TP HCM, khi vừa kết thúc chuyến đi xuyên Việt để thăm lại những nơi ông từng là nhân chứng lịch sử.

Với Báo Nhà báo và Công luận, sự ra đi quá đỗi đường đột ấy để lại quá nhiều cảm xúc, bởi, với đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh không chỉ là một cựu phóng viên chiến trường, một nhà báo dày dạn kinh nghiệm cả trong thời chiến cũng như thời bình mà còn là bậc tiền bối, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam – kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nhà báo và Công luận.

Nhà báo của những sự kiện lịch sử 

Lúc sinh thời, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh từng quan niệm: “Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác”. 

Và thực sự trong suốt hành trình cầm bút của mình, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã sống và viết như một nhân chứng lịch sử đích thực. Say mê văn học từ nhỏ, theo đuổi giấc mộng văn chương khi học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), tuy nhiên, số phận lại đưa đẩy Trần Mai Hạnh đến với nghề báo. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm, ngay sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Trong quãng thời gian từ 1965 - 1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.

nha bao tran mai hanh nghia tinh con lai mai hinh 1

Tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà 1968 - 1969. (Nhà báo Trần Mai Hạnh ngoài cùng hàng trên bên trái).

Và nghiệp phóng viên chiến trường đã đưa ông trở thành chứng nhân của rất nhiều những sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Ông đã là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh có tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” truyền về Thông tấn xã Giải Phóng và được phát sóng trong chương trình thời sự đặc biệt ngày 1/5/1975 trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đồng thời, bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh cũng được đăng trang trọng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 2/5/1975, với tựa đề được đổi thành là “Tiến vào Phủ Tổng thống Ngụy”.

Trưa hôm sau, 1/5/1975, khi tôi và Văn Bảo đang trên ô tô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp những dòng người đang ùa ra vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng thì bất ngờ nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam phát qua chiếc đài bán dẫn chúng tôi mang theo bên người. Đài đã trang trọng đọc bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" và giới thiệu rõ là "Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn điện về". Lúc đó, tôi đã lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi của người lính nơi chiến trường, trong niềm hạnh phúc khôn tả xiết” - nhà báo Trần Mai Hạnh đã từng hồi ức lại những cảm xúc không thể quên trong thời khắc lịch sử ấy trong một cuộc trò chuyện với báo chí cách đây mấy năm.

Ông cũng không giấu giếm điều mà ông cho là sự may mắn của cá nhân ông: “Có hàng trăm nhà báo, nhà văn tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, rất nhiều người nổi tiếng và tài giỏi hơn tôi, nhưng tôi lại là người sở hữu được nhiều tài liệu lịch sử quý giá. Tôi không hề cảm thấy "mình được chọn", nhưng tôi cảm nhận rõ số phận của mình trước những sắp xếp ngẫu nhiên và kỳ lạ của cuộc sống đã giúp tôi làm được điều gần như không tưởng (đối với tôi). Và tôi thấy biết ơn sự sắp xếp đó của cuộc sống”.

nha bao tran mai hanh nghia tinh con lai mai hinh 2

Và từ sự biết ơn ấy, không chỉ đưa vào những trang báo, từ việc thu thập được một khối lượng tài liệu đồ sộ, đa số là các tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ) rồi hóa thân phục dựng thành công sự sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu), ông đã cho công bố trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sau đó đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, được tái bản tới lần thứ 5, được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “A war account 1-2-3-4.75”, được dịch sang tiếng Lào, trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào, và hiện đang được tiếp tục dịch sang ngôn ngữ khác. Trước đó, cũng với tư cách một nhân chứng lịch sử, ngay sau ngày non sông liền một dải, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết hai cuốn sách “Sụp đổ và tự thú” và “Ngày tận thế”. 

Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai”. Có thể nói, trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh đã làm được như những gì ông tâm niệm. 

Người Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nhà báo và Công luận

Với Báo Nhà báo và Công luận, nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh cũng thực sự là “chứng nhân lịch sử”. Ông nguyên là Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam – kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nhà báo và Công luận.

nha bao tran mai hanh nghia tinh con lai mai hinh 3

Trong cuộc trò chuyện nhân dịp Báo Nhà báo và Công luận 19 tuổi cách đây 9 năm, nhà báo Trần Mai Hạnh đã chia sẻ nhiều tư liệu quý giá về những ngày đầu tờ báo mới được thành lập.

“Tôi mong ước Hội Nhà báo Việt Nam có tờ tuần báo từ những năm 1990 – 1991 khi còn công tác ở Thông tấn xã Việt Nam và là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa V kiêm nhiệm Trưởng ban Nghiệp vụ và Tổng Biên tập Tạp chí Nhà báo và Công luận của Hội.

Tại Hội nghị Đảng đoàn và Hội nghị Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa VI họp ngày 18, 19/8/1995 (lúc đó tôi là Thường trực Đảng đoàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam) đề xuất của tôi về việc Hội Nhà báo Việt Nam nên có một tờ tuần báo lấy tên là “Công luận” được Chủ tịch Phan Quang và các đồng chí trong Đảng đoàn và Thường vụ nhất trí. Tôi được phân công xây dựng đề cương xuất bản tờ tuần báo và làm các thủ tục theo quy định để xin Giấy phép xuất bản. Ngày 6/10/1995, tại Giấy phép xuất bản số 3107 do Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Nguyễn Khoa Điềm ký cho phép Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản tờ tuần báo “Công luận” do tôi làm Tổng Biên tập.

Ngày 30/10/1995, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ký Quyết định số 44/HNB về việc: “Xuất bản tờ Tuần báo Văn hóa – Xã hội – Kinh tế - Chính trị mang tên “Công luận” – Cơ quan Trung ương của Hội Nhà báo Việt Nam kể từ đầu năm 1996. Tuần báo “Công luận” do đồng chí Phan Quang – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng biên tập; đồng chí Trần Mai Hạnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam làm Tổng Biên tập…”- nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ.

nha bao tran mai hanh nghia tinh con lai mai hinh 4

Tiểu thuyết tư liệu nổi tiếng của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Cũng trong cuộc trò chuyện đáng nhớ ấy, vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nhà báo và Công luận đã chia sẻ: “Tình cảm của Tuần báo Nhà báo và Công luận đối với tôi cũng như tôi đối với tờ tuần báo là hết sức sâu nặng, nghĩa tình. Suốt từng ấy năm Tòa soạn vẫn gửi báo biếu tới tôi, giao thừa năm nào đồng chí Tổng Biên tập cũng tới thăm, chuyển quà chúc Tết của Tòa soạn tới tôi. Mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi, chỉ sự nghĩa tình và tình người là còn lại mãi. Tôi đọc Nhà báo và Công luận thường xuyên, hết sức tự hào và phấn khởi trước sự khởi sắc, đối mởi mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, nhất là sự phong phú, đa dạng về thông tin và tính chiến đấu của Nhà báo và Công luận (cả báo in và báo điện tử) trong thời gian gần đây”.

Thực vậy, mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi, chỉ sự nghĩa tình và tình người là còn lại mãi cũng như những gì nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã tận hiến qua những trang viết, cũng sẽ còn mãi… 

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam.

Ông là đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Trần Mai Hạnh từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.

Ông sáng tác nhiều tác phẩm như "Nắng Thu Bồn", "Tình yêu và án tử hình", "Sụp đổ và tự thú", "Ngày tận thế", "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống"...

Trong đó, tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 hạng mục văn xuôi, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

 

Cùng chuyên mục

Tin mới

  1. Hội Nhà báo tỉnh An Giang
  2. Hội Nhà báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  3. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang
  4. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn
  5. Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu
  6. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh
  7. Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre
  8. Hội Nhà báo tỉnh Bình Định
  9. Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương
  10. Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước
  11. Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận
  12. Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau
  13. Hội Nhà báo TP Cần Thơ
  14. Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng
  15. Hội Nhà báo TP Đà Nẵng
  16. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk
  17. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông
  18. Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên
  19. Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai
  20. Hội Nhà báo tỉnh Đồng Tháp
  21. Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai
  22. Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang
  23. Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam
  24. Hội Nhà báo TP Hà Nội
  25. Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh
  26. Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương
  27. Hội Nhà báo TP Hải Phòng
  28. Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang
  29. Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình
  30. Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên
  31. Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa
  32. Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang
  33. Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum
  34. Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu
  35. Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng
  36. Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn
  37. Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai
  38. Hội Nhà báo tỉnh Long An
  39. Hội Nhà báo tỉnh Nam Định
  40. Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An
  41. Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình
  42. Hội Nhà báo tỉnh Ninh Thuận
  43. Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ
  44. Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên
  45. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình
  46. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam
  47. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi
  48. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh
  49. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị
  50. Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng
  51. Hội Nhà báo tỉnh Sơn La
  52. Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh
  53. Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình
  54. Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
  55. Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa
  56. Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế
  57. Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang
  58. Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh
  59. Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh
  60. Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang
  61. Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long
  62. Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc
  63. Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái