Nhà báo Thái Duy: Sống và viết

08-08-2023 15:01

Những ngày cuối tháng năm, tôi đến thăm nhà báo Thái Duy – Trần Đình Vân. Căn nhà nằm gọn trong hẻm số 8 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Tính đến năm 2023 này, thiếu hai tuổi thì ông tròn trăm tuổi. Thấy có khách, ông đi cầu thang từ tầng hai xuống, cầm tờ báo trên tay, ông bảo: Báo in đọc có cái thú của nó, ông vẫn quan tâm đến thời sự và những hoạt động của báo chí nước nhà, và còn rất tâm huyết với nghề…

Ông tâm sự: tôi mê viết báo từ bé, từ lúc tôi còn trẻ tôi đã viết cho tờ Cứu quốc rồi, tôi gửi 4, 5 bài báo cũng không được đăng, nhưng tôi vẫn gửi, rồi ông Nam Cao gọi tôi và nhận xét chân thành: bài của cậu viết nhạt quá. Rồi ông cười sảng khoái. Hồi đó, ông Nam Cao là tổ trưởng tổ phóng sự của báo Cứu quốc. Sau đó ông ấy bảo phải lấy cậu thôi, không ai kiên trì như thế. Nam Cao là người thầy của tôi. Thời làm báo Cứu quốc gian khổ quá, không có gạo ăn phải ăn đỗ và thức ăn độn khoai sắn là bình thường.

 Năm 1947, trên đường tham gia kháng chiến, chàng thanh niên Trần Duy Tấn (Thái Duy, Trần Đình Vân là bút danh sau này) quê Bắc Giang được tuyển vào Báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, tờ nhật báo lớn nhất, ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước hồi bấy giờ. Đến nay ông đã gần 80 năm cầm bút, từ một phóng viên trẻ đến một nhà văn, nhà báo hàng đầu. Với bút danh Thái Duy khi viết báo, Trần Đình Vân khi viết văn, những tác phẩm của ông không chỉ tạo nên những chuyển biến xã hội tích cực trong nước mà còn có tiếng vang xa trên trường quốc tế.

Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam
năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy),
Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương năm 1959, cả nước đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Khởi đầu là việc mở đường Trường Sơn năm 1959, Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, dẫn tới việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mặt trận cần có tờ báo làm cơ quan ngôn luận. Báo Cứu Quốc ở Miền Bắc đã cử Tổng Biên tập Trần Phong (tên khai sinh Lê Văn Thơm, Bí danh Kỳ Phương) đi đường biển theo đoàn tàu không số; hai nhà báo Tống Đức Thắng (bí danh Tâm Trí), và Thái Duy (bí danh Trần Đình Vân) lội bộ vượt Trường Sơn vào Tây Ninh sáng lập Báo Giải Phóng. Báo Giải Phóng ra số đầu ngày 20-12-1964, gồm 12 trang in hai màu đồng loạt xuất hiện trong vùng giải phóng, vùng ven, vào nội đô Sài Gòn và ra Hà Nội qua đường Phnôm-Pênh; thổi lên một hồi kèn giải phóng làm nức lòng quân dân cả nước, báo hiệu một cao trào cách mạng mới. 

Sống như Anh

Tác phẩm "Sống như Anh"

Những năm chiến tranh, cán bộ đi chiến trường phải là những người được Đảng và tổ chức rất tin cậy. Nhà báo Thái Duy được chọn là một trong ba người đầu tiên sáng lập Báo Giải phóng. Đó là niềm vinh dự, tự hào chính ông đã tự nguyện chấp nhận đên nơi gian khổ hy sinh. Và một cơ may đến với ông vào tháng 3-1965, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lúc này đã tham gia biệt động, là đại biểu. Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Nguyễn Văn Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Những ngày đầu còn được trọn vẹn. Sau chị Quyên bị hết đoàn này đến đoàn khác kéo đi, hai chú cháu phải làm việc tranh thủ. Vậy mà đúng hạn, cuốn sách đã hoàn thành, được gửi ngay ra Bắc, được Bác Hồ xem và khen ngợi. Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh”, được cho đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7-1965 ba trăm linh hai nghìn bản, có lời Bác Hồ đề tựa, sau đó được tái bản liên tục lên tới hàng triệu bản. Sống như Anh đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ trong cả nước dấy lên phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc. Sống như Anh là một tác phẩm lớn không chỉ vì đối tượng phản ánh của nó rất vĩ đại mà lao động nghệ thuật của tác giả cũng rất tinh diệu, công phu. Cộng sản, Việt cộng hồi ấy bị kẻ địch tuyên truyền như những kẻ không tim, nhưng anh Trỗi, cứng cỏi, lẫm liệt trước kẻ thù bao nhiêu, lại tràn ngập yêu thương nhân dân, và người vợ trẻ của mình bấy nhiêu. Những chi tiết săn sóc bé Dân, cuống quýt khi chị Quyên ốm, xách nước cho chị quyên tắm vì lo bậc thềm quá cao, việc giật phăng băng bịt mắt và câu nói cuối cùng “Không, phải để tôi được nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi” đã làm xúc động cả thế giới, thay đổi cách nhìn về người cộng sản. Người đọc cũng thấy được cả một nhân dân gan góc anh hùng qua chị Y, chị X và những người tù; qua việc bà con đi làm lễ cầu siêu cho anh Trỗi ngay giữa đô thành Sài Gòn, trước họng súng của binh lính và cảnh sát.

Trong quá trình làm phim Nhà báo Thái Duy, chúng tôi may mắn được gặp chị Nguyễn Thị Châu, một nữ sinh, nữ trí thức tiêu biểu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường của Miền Nam Thành đồng Tổ quốc, nhân vật X trong Sống như Anh, nhân vật Phượng trong tiểu thuyết Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng. Chị Châu được gặp anh Trỗi trong tù, từng cảm thấy xiết bao tự hào vì đứng trong đội ngũ có những người như Anh, từng thân thiết với nhà báo Thái Duy từ tháng 3-1965.

Khoán chui hay là chết

Đó là tên cuốn sách của nhà báo Thái Duy được NXB Trẻ xuất bản năm 2013, tập hợp những bài báo đăng trên Báo Đại Đoàn kết khoảng thời gian từ trước khoán 100 (1981) đến khoán 10 (1988). “Khoán chui hay là chết” là câu nói, là quyết tâm của người nông dân Việt Nam trước thực trạng có làm hoặc làm giả với hậu quả là không có năng suất, không có ăn kéo dài trong các hợp tác xã với hình thức khoán việc, ăn chia theo công điểm.

Tác phẩm  “Khoán chui hay là chết”

Thái Duy là nhà báo luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của nhân dân; là người luôn bám sát thực tiễn. Chính vì bám sát thực tiễn nên ông sớm phát hiện được những cái mới và những bất ổn trong cuộc sống. Ở Miền Bắc, năm 1961, mức bình quân lương thực đầu người là 24kg/tháng, đến năm 1965 giảm chỉ còn 14kg/tháng. Đã thế, hạt gạo còn chia ba, chia bốn cho các chiến trường A (Miền Bắc), B (Miền Nam), C (Lào), K (Căm-pu-chia). Đói ăn là điều mà thời nay, thời Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới không thể hiểu được nhưng đói quay đói quắt đã không chỉ năm 1945 mà kéo dài suốt cả mấy thập kỷ, cho đến hết những năm 80. Sau 1975, do lạc hậu của cơ chế, do bị cấm vận ngặt nghèo, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hai triệu tấn lương thực…

Từ chiến trường trở lại Miền Bắc, Thái Duy dấn thân vào mặt trận nông nghiệp, nông thôn. Điều ông nhìn thấy đầu tiên là mảnh ruộng 5%, cũng đồng đất ấy, con người ấy mà năng suất thì cao hơn hẳn ruộng hợp tác xã. Và tất nhiên, đó là điều ai cũng nhìn thấy như ai cũng nghe thấy câu ca đầy oán thán: Một người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe. Nhưng vào những năm 60, 70 hợp tác xã gắn liền với công hữu, với CNXH, không ai dám động đến, vì như thế là đi ngược lại đường lối của Đảng, với CNXH. 

Nhìn thấy người dân đói, Thái Duy thấy như chính mình bị đói, bị đối xử bất công. Ông viết báo không chỉ bằng mực, mà bằng máu rỉ ra từ trái tim: “Đất nước đã được giải phóng nhưng nông dân chiếm gần 80% dân số vẫn chưa được giải phóng là sự thật đau xót”.

Nhà báo Thái Duy (áo xanh, bên phải) và tác giả bài viết

Ông ủng hộ khoán chui từ sớm. Đặc biệt, lòng tin về khoán mới được củng cố từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV, hội nghị theo ông “đã ra một nghị quyết lịch sử”, Nghị quyết 20 ngày 20-9-1979. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật và tha thiết với lợi ích của nhân dân, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thấy nhiều chủ trương chính sách của Đảng là chủ quan, nóng vội, thiếu căn cứ thực tiễn; thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế; cho phép các xã viên “mượn đất” sản xuất, tức là trở lại mục tiêu ban đầu của cách mạng: Trả ruộng đất cho dân cày.

 Trong một tờ báo, vai trò của Tổng Biên tập là quyết định. Nhà báo Lê Điền, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết là chỗ dựa cho các phóng viên nhiệt huyết như Thái Duy, Lê Văn Ba … tung hoành trên các mặt trận của mình, đồng thời, các cây bút tài năng ấy đã làm cho tờ báo và Tổng Biên tập trụ vững trước sóng gió dư luận, trước các thế lực chính trị bất đồng quan điểm; nâng cao vị thế và uy tín báo Đại đoàn kết nói riêng, báo chí nói chung trước Đảng, trước nhân dân. Họ thật sự là những anh hùng của thời kỳ Đổi mới. 

Nhà báo Thái Duy đã có hàng trăm bài báo như Một cuộc cách mạng, Ngọn gió Hải Phòng, Phá thế độc canh ở Thái Bình, Cơ chế mới, con người mới, Khoán chui hay là chết… Những bài báo đó đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp đi từ Khoán 100 đến Khoán 10 và đến tháng 3 - 1989 khẳng định hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ sản xuất hàng hóa. Tác phẩm báo chí của Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận. Những bài báo đó không chỉ phát hiện mô hình, cổ vũ cho sự thắng lợi của cái mới trong thực tiễn mà còn cho thấy tâm huyết, tầm nhìn sáng suốt, công lao của các đồng chí lãnh đạo của Đảng đối với nông dân, nông nghiệp như Lê Duẩn, Võ Chí Công, Lê Thanh Nghị và nhất là đồng chí Trường Chinh, người đã từng phê phán Vĩnh Phúc thời kỳ đầu, sau này trở thành một ngọn cờ Đổi mới. 

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, nhà báo Hữu Thọ viết trên báo Nhân Dân: “Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ các nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy” (Chui ra chỗ sáng – Báo Nhân Dân 22-4-2013).

Từ ngày là phóng viên Báo Cứu quốc trong kháng chiến chống Pháp đến khi nghỉ hưu năm 1995, ông chỉ làm ở một tờ báo của Mặt trận, mặc dù rất nổi tiếng và có nhiều thành tích, ông chỉ có một chức danh là phóng viên; chỉ trung thành với sự thật và lợi ích của Nhân Dân. Ông là người từ rất sớm và trong mọi trường hợp, đều viết hoa chữ Dân. Năm 2020, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tại Hà Nội diễn ra hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu". Bảy nhà báo được tôn vinh gồm Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc. Trong số ấy, hầu hết là lãnh đạo của những cơ quan báo chí lớn, chỉ riêng Nhà báo Thái Duy là “phóng viên trơn” như cách nói của ông và ông vẫn tự hào về điều đó, không hề băn khoăn về sự thiệt thòi như người khác nhìn vào. Đó là bản lĩnh, là đạo đức của người làm báo chân chính.  

Bản lĩnh, đạo đức ấy được tu dưỡng từ bé trong một gia đình nền nếp, gia phong. Và chính ông và người vợ thân yêu của mình cũng xây dựng cho mình một tổ ấm hạnh phúc với triết lý sống giản dị, chân tình, tử tế, trung thực. Chia sẻ về nghề ông bảo với tôi: Muốn viết báo tốt điều đầu tiên là phải trung thực, nhìn rõ sự thật, chỉ ra cái sai thì mình phải đúng, mình sai nói ai nghe…

Cả cuộc đời ông chỉ làm phóng viên. Sống và viết như ông - nhà báo Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để "Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt" như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc. Vinh quang của ông không thuộc về những phần thưởng, những chức vụ mà là tất cả những gì mới mẻ, tốt tươi không ngừng nẩy nở cho cuộc đời này./. 

Cùng chuyên mục

Tin mới

  1. Hội Nhà báo tỉnh An Giang
  2. Hội Nhà báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  3. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang
  4. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn
  5. Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu
  6. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh
  7. Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre
  8. Hội Nhà báo tỉnh Bình Định
  9. Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương
  10. Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước
  11. Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận
  12. Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau
  13. Hội Nhà báo TP Cần Thơ
  14. Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng
  15. Hội Nhà báo TP Đà Nẵng
  16. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk
  17. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông
  18. Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên
  19. Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai
  20. Hội Nhà báo tỉnh Đồng Tháp
  21. Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai
  22. Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang
  23. Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam
  24. Hội Nhà báo TP Hà Nội
  25. Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh
  26. Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương
  27. Hội Nhà báo TP Hải Phòng
  28. Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang
  29. Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình
  30. Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên
  31. Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa
  32. Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang
  33. Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum
  34. Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu
  35. Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng
  36. Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn
  37. Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai
  38. Hội Nhà báo tỉnh Long An
  39. Hội Nhà báo tỉnh Nam Định
  40. Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An
  41. Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình
  42. Hội Nhà báo tỉnh Ninh Thuận
  43. Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ
  44. Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên
  45. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình
  46. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam
  47. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi
  48. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh
  49. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị
  50. Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng
  51. Hội Nhà báo tỉnh Sơn La
  52. Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh
  53. Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình
  54. Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
  55. Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa
  56. Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế
  57. Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang
  58. Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh
  59. Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh
  60. Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang
  61. Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long
  62. Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc
  63. Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái