Văn học thăng hoa trên “đôi cánh” báo chí

28-06-2024 09:13

Báo chí và văn học có chung một đối tượng nhận thức là hiện thực đời sống, cùng sử dụng ngôn từ như một công cụ chủ yếu để phản ánh hiện thực.

Tuy nhiên, đây là hai hình thái ý thức xã hội đặc thù, có những đặc trưng, đặc điểm khác biệt. Nhưng sự hợp tác giữa hai lĩnh vực này mang đến sức lan tỏa rộng khắp, khả năng thu hút công chúng, tác động vào tư tưởng, tình cảm một cách sâu sắc, lâu bền.         

Quan hệ cộng sinh

Văn học xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người. Ngay từ thời nguyên thủy, loài người với tư duy hồn nhiên, chất phác đã sáng tạo ra những thể loại văn học dân gian như thần thoại, truyền thuyết... So với văn học, báo chí xuất hiện muộn hơn nhiều, gắn liền với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật về in ấn, xuất bản.

Mặc dù báo chí “sinh sau đẻ muộn” so với văn học hơn cả mười mấy thế kỷ, nhưng dường như ngay lập tức, báo chí lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn học. Nhờ có báo chí, tác phẩm văn học đến tay bạn đọc nhanh, thuận lợi hơn, được nhận xét, đánh giá đa chiều hơn bởi giới phê bình chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Tác giả cũng được giới thiệu nhanh hơn, biết đến nhiều hơn, đời sống kinh tế thêm phần “dễ chịu” khi có nhuận bút. Ở chiều ngược lại, văn học cũng giúp báo chí trở nên phong phú, hấp dẫn... và bán được nhiều hơn. Trong bài viết “Nền văn chương công nghiệp trên báo Pháp thế kỷ XIX”, PGS, TS Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học) cho biết: Nhờ vào việc đăng tiểu thuyết “Cô gái già” của Honoré de Balzac, tờ La Presse đạt số mua dài kỳ tới 11.000 bản hằng tháng.

Văn học thăng hoa trên “đôi cánh” báo chí

Các tác giả nhận giải cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022. Ảnh: Thành Duy

Mối quan hệ “cộng sinh” này cũng đúng với tình hình báo chí và văn học ở nước ta. Ý thức được tác dụng to lớn của văn học đối với báo chí và bạn đọc, báo chí cách mạng ở nước ta đã dành cho loại hình nghệ thuật này một sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Trong mối quan hệ với văn học, báo chí cách mạng có thể chia làm hai loại: Các tờ báo, tạp chí không chuyên về văn học, văn học chỉ là một trong nhiều chuyên mục; các tờ báo, tạp chí chuyên về văn học như Tạp chí Tiên phong, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần báo Văn học...

Văn học cách mạng trên báo chí cách mạng

Nhìn chung trong nửa thế kỷ hình thành và phát triển khi đất nước đang trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập (1925-1975), mối quan hệ tương liên chặt chẽ giữa văn chương và nền báo chí cách mạng được thể hiện trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, văn chương đem lại sự phong phú, đa dạng, sinh động cho báo chí cách mạng. Khi vừa thành lập, mặc dù phải dành nhiều “đất” cho các bài quan trọng khác nhằm phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, tờ Thanh Niên (ra đời ngày 21/6/1925) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập vẫn dành một dung lượng phù hợp cho văn học. Sách “Tổng quan lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2010)” cho biết, trong các số của tờ Thanh niên thường có “tranh vẽ, thơ, ca. Những mục trên làm cho báo phong phú, đa dạng; tập trung, chính trị mà không khô khan”. Từ khởi đầu ấy, các tờ báo do Đảng và các cơ quan tổ chức của Chính phủ, Quân đội, các ban, bộ, ngành sáng lập sau này như Sông Hương tục bản, Dân chúng, Đời nay, Ngày mới, Tạp chí Đông phương, Tin tức, Nhân Dân, Quân đội nhân dân... đều có những bài, mục về văn học đem lại cho công chúng một món ăn tinh thần hấp dẫn, bổ ích.

Thứ hai, báo chí cách mạng góp phần thiết thực trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa-văn nghệ nói chung, văn học nói riêng. Theo đó, báo chí cách mạng có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật. Tạp chí Tiên phong số 1 đã đăng tải “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo. Các quan điểm về mỹ học, văn học mác-xít cũng được báo chí tích cực giới thiệu thông qua việc đăng tải các nghiên cứu hay sáng tác của các nhà văn trong và ngoài nước. Ví như, Sông Hương tục bản đã đăng bài “Văn học và chủ nghĩa duy vật” của Hải Triều ở 3 kỳ liên tiếp (các số 8, 9, 10), Tạp chí Đông Phương có bài “Văn thơ của các nhà chí sĩ Việt Nam" của Bằng Phi ở số 5, giới thiệu truyện ngắn của M.Gorky...

Thứ ba, bên cạnh việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng về văn học, nghệ thuật, báo chí cách mạng còn là công cụ quan trọng bậc nhất để hình thành nên một nền văn học mới: Văn học cách mạng. Báo chí cách mạng đã đăng tải những tác phẩm có nội dung phê phán, vạch trần bản chất phản động của chính quyền thực dân tay sai, sự tàn bạo của quân giặc hay ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân đội và nhân dân ta, phản ánh không khí hồ hởi trong xây dựng đời sống mới.

Nhờ báo chí cách mạng, nhiều tên tuổi mới và tác phẩm mới (sau này trở nên hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc, một số được đưa vào giảng dạy ở chương trình ngữ văn phổ thông) đã xuất hiện, đem lại một “bầu không khí trong lành, mới mẻ” cho nền văn học nước nhà, như: Kim Lân với “Làng” (Văn nghệ, số 1-1948); Trần Đăng với “Những ngày cuối năm” (Văn nghệ, số xuân 1949); Siêu Hải với “Hai trận thắng” (Văn nghệ, số 27 và 28-1950); Hồ Phương với “Lưỡi mác xung kích” (Văn nghệ, số 13-1949), “Thư nhà” (Văn nghệ, số 15 và 16-1950)... hay trên Tạp chí Tiên phong giới thiệu những Trần Mai Ninh với “Nhớ máu”, Chính Hữu với “Đồng chí”, Quang Dũng với “Tây Tiến”, Hoàng Lộc với “Viếng bạn”, Nông Quốc Chấn với “Dọn về làng”...

Có thể khẳng định, báo chí cách mạng và văn học cách mạng đã gắn bó khăng khít, chặt chẽ với nhau trong suốt những năm tháng kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cần duy trì sự hiện diện của văn chương trên báo chí

Khi đất nước hòa bình, báo chí cách mạng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển về mọi mặt. Cùng hòa chung trong bầu không khí đổi mới toàn diện của đất nước, mối quan hệ giữa báo chí và văn học cũng có những thay đổi đáng kể. Về mặt tích cực, báo chí cách mạng vẫn là một kênh quan trọng hàng đầu, uy tín trong việc giới thiệu tác giả và tác phẩm. Việc được đăng tác phẩm trên báo chí (nhất là các báo lớn) vẫn là niềm vui, niềm mong ước của nhiều người cầm bút. Chuyên mục văn học trên báo chí giờ đã có nhiều điểm đổi mới, mạnh dạn công bố nhiều tác phẩm viết về các đề tài mới, khó với những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, giới thiệu nhiều tác giả trên thế giới chứ không bó gọn lại trong đề tài và hình tượng như trong chiến tranh hay cơ chế bao cấp, được chăm chút hơn về trình bày, in ấn. Hình thức công bố cũng nhanh hơn, cập nhật hơn với loại hình báo điện tử. Nhiều tác giả đã vụt sáng trên văn đàn nhờ vào các tác phẩm đăng tải trên báo chí mà Nguyễn Ngọc Tư là trường hợp điển hình.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, mối quan hệ giữa báo chí và văn học cũng có phần lỏng lẻo hơn trước. Trong thời buổi kinh tế thị trường, một số tờ báo tập trung khai thác các mảng, lĩnh vực “ăn khách” để tăng doanh số mà có phần sao nhãng, không đầu tư, chú ý đúng mức cho mục văn học. Mặt khác, sự quan tâm, chú ý của độc giả đối với văn chương dần suy giảm do tác động của văn hóa nghe nhìn hiện đại. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đa phần các báo, tạp chí thuần văn chương sống “lay lắt qua ngày” do số lượng phát hành quá thấp, thu không đủ bù chi. Chuyên mục văn học trên nhiều tờ báo bị giảm dung lượng, bị xếp vào dạng bài phụ, bài “bày cho đủ mâm”, “bày cho có”, thi thoảng còn chịu cảnh “nhường đất” cho các tin, bài “hút khách” khác.

Nhuận bút dành cho văn học ở nhiều tờ báo chỉ ở mức trung bình, chưa đủ giúp người viết có thu nhập “đủ sống” trong thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Một số biên tập viên phụ trách mảng văn học là những người tốt nghiệp báo chí đơn thuần, chưa có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm văn học trên cả hai phương diện sáng tác lẫn phê bình. Những nguyên nhân trên khiến cho chất lượng các tác phẩm văn học trên một số tờ báo “nhàn nhạt”, không có bản sắc riêng. Ở chiều ngược lại, ngoài báo chí, các tác giả hiện nay có nhiều kênh để giới thiệu tác phẩm của mình. Các trang mạng xã hội cá nhân hay của cộng đồng người cùng chung sở thích, in sách ở các nhà xuất bản là lựa chọn hàng đầu cho việc công bố, giới thiệu tác phẩm của không ít người cầm bút.

Hiện tại, văn học vẫn cần đến báo chí và báo chí cũng cần đến văn học. Tuy nhiên, để mối quan hệ “cộng sinh” ngày càng bền chặt, phát triển trong tương lai, rất cần có những sự thay đổi cơ bản, toàn diện của cả hai. Nỗ lực chỉ từ một bên sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt.

Cùng chuyên mục

Tin mới

  1. Hội Nhà báo tỉnh An Giang
  2. Hội Nhà báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  3. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang
  4. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn
  5. Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu
  6. Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh
  7. Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre
  8. Hội Nhà báo tỉnh Bình Định
  9. Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương
  10. Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước
  11. Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận
  12. Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau
  13. Hội Nhà báo TP Cần Thơ
  14. Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng
  15. Hội Nhà báo TP Đà Nẵng
  16. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk
  17. Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông
  18. Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên
  19. Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai
  20. Hội Nhà báo tỉnh Đồng Tháp
  21. Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai
  22. Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang
  23. Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam
  24. Hội Nhà báo TP Hà Nội
  25. Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh
  26. Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương
  27. Hội Nhà báo TP Hải Phòng
  28. Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang
  29. Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình
  30. Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên
  31. Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa
  32. Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang
  33. Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum
  34. Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu
  35. Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng
  36. Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn
  37. Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai
  38. Hội Nhà báo tỉnh Long An
  39. Hội Nhà báo tỉnh Nam Định
  40. Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An
  41. Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình
  42. Hội Nhà báo tỉnh Ninh Thuận
  43. Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ
  44. Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên
  45. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình
  46. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam
  47. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi
  48. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh
  49. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị
  50. Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng
  51. Hội Nhà báo tỉnh Sơn La
  52. Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh
  53. Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình
  54. Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
  55. Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa
  56. Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế
  57. Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang
  58. Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh
  59. Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh
  60. Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang
  61. Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long
  62. Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc
  63. Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái