Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới
27-02-2023 14:48
Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.
Truyền thông bình đẳng giới trên báo chí
Mục tiêu tuyên truyền về bình đẳng giới (BĐG) đã được các cơ quan báo chí thể hiện rất rõ, hầu hết các báo, tạp chí đều chú trọng tuyên truyền, tăng cường số lượng các bài viết về BĐG trên các ấn phẩm. Hãy thử thao tác tra google: “Tuyên truyền về bình đẳng giới”, ngay lập tức đã cho kết quả hơn 9 triệu về nội dung này; hay “Vai trò của báo chí với bình đẳng giới” cho hơn 25 triệu kết quả về nội dung này.
Các báo, tạp chí đã dành chuyên trang, chuyên mục với lượng bài, tin về nội dung BĐG rất lớn, đa dạng, phong phú hấp dẫn trên tất cả các ấn phẩm. Đơn cử như Báo Hanoi mới thường xuyên đưa thông tin về BĐG: “Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ” (ngày 27/2/2023). Báo Nhân dân “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” ngày 27/2/2023 là thông điệp xuyên suốt của chuỗi hoạt động bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam qua hình ảnh và câu chuyện cuộc đời của những người phụ nữ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, truyền thông BĐG trên báo chí cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đề ra, như nhiều nơi, nhiều lúc còn có tình trạng ngược đãi phụ nữ, trẻ em gái, phân biệt nam – nữ, bạo hành gia đình, bóc lột sức lao động, trong phân chia tài sản thừa kế…
Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại là do nhận thức về giới và BĐG chưa đầy đủ và sâu sắc của chính các cơ quan báo chí và nhà báo. Luật Báo chí năm 2016 chưa quy định cụ thể trách nhiệm của báo chí đối với việc tăng cường nhận thức của cộng đồng về BĐG. Sự gắn kết vai trò, trách nhiệm của báo chí với sự nghiệp thúc đẩy BĐG và sự giám sát của các cơ quan quản lý báo chí về vấn đề này chưa chặt chẽ, hiện vẫn còn trong tình trạng hô hào chung chung, tùy sự hưởng ứng “tự giác” của các cơ quan báo chí và nhà báo.
Khi đưa tin về lãnh đạo nữ, thông tin về vai trò chăm sóc gia đình, con cái, hình thức bên ngoài quan trọng hơn đối với lãnh đạo nam giới. Hầu như các báo khi đưa thông tin về giáo dục, khả năng lãnh đạo, hay kinh nghiệm công việc đều quan trọng đối với cả lãnh đạo nữ giới và lãnh đạo nam giới. Tuy nhiên, những thông tin về gia đình, con cái hay hình thức bên ngoài quan trọng hơn đối với những nhân vật là lãnh đạo nữ giới so với lãnh đạo nam giới.
Định kiến giới thể hiện trong thái độ của các nhà báo đối với nguồn tin. Nhìn chung, các nhà báo cho rằng nguồn tin là lãnh đạo nam được đánh giá là thông minh hơn, quyết đoán hơn, có kiến thức hơn, tổ chức công việc hiệu quả hơn và có quyền lực hơn nguồn tin nữ giới. Nguồn tin nữ được cho là trung thực hơn và dễ tiếp cận hơn.
Còn một thực tế có ảnh hưởng trực tiếp đến “phong cách” tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí của nhà báo, phóng viên nữ, đó là môi trường sinh sống của nhà báo. Ví dụ, nếu nhà báo sinh ra và lớn lên trong gia đình có sự “phân công”: việc nấu cơm, chăm sóc con cái, giặt giũ, đi chợ, dọn nhà… là của phụ nữ; việc lo kiếm tiền, ngoại giao bên ngoài, học hành, phấn đấu sự nghiệp, thăng chức, làm lãnh đạo… là của nam giới thì khi tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí phần lớn nhà báo “thiên” về định kiến giới.
Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới
Với hơn 800 cơ quan báo chí và gần 76 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tuy nhiên, để báo chí truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới tốt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Phát huy vai trò của cá nhân nhà báo
Sản phẩm báo chí tuy thuộc về một tập thể nhưng trong từng tác phẩm lại mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Để chuyển tải những thông điệp BÐG và hạn chế tối đa những thông điệp ngầm vô hình trung tạo nên định kiến giới, khuôn mẫu giới, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đóng vai trò quan trọng. Khi các nhà báo được trang bị kiến thức về BĐG, có nhạy cảm giới thì trong mỗi tác phẩm báo chí, vấn đề “sạn” giới sẽ được kiểm soát và “nhặt” từ khi hình thành tác phẩm. Không chỉ vậy, thái độ, quan điểm của phóng viên, biên tập viên còn góp phần định hướng đối với truyền thông tới công chúng về BĐG.
Bên cạnh đó, trong đội ngũ những người làm báo, nhiều nhà báo cũng là người dẫn dắt/có ảnh hưởng (KOL) trên mạng xã hội. Những bài viết của họ trên báo chí cùng những phát ngôn của họ trên mạng xã hội sẽ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Khảo sát được thực hiện tháng 11/2021 bởi Công ty CP GMO-Z.com RUNSYSTEM (Công ty có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phần mềm, cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin) với 505 người tham gia, cho thấy: KOLs (người dẫn dắt/có ảnh hưởng đến dư luận) cho kết quả 30,69% người được hỏi thường xuyên bình luận vào những bài đăng của KOLs; 50,1% người được hỏi cho biết KOLs ảnh hưởng đến sự cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của họ; 48,51% cho rằng KOLs ảnh hưởng đến họ trong việc buông bỏ suy nghĩ tiêu cực, sống cởi mở, tích cực hơn.
Để đội ngũ làm báo thực hiện tốt hơn vai trò thúc đẩy BĐG, trước hết cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức về BÐG trong chính những người làm báo
Theo đó, vấn đề giới cần được nghiên cứu đưa vào trong chương trình đào tạo báo chí tại các trường đại học. Trong chương trình cần nêu lên những chủ đề cụ thể như “phụ nữ và tin tức” để qua đó trang bị những kiến thức về BĐG và định kiến giới trong sinh viên. Những kiến thức này sẽ mang lại những hiệu quả lâu dài cho phóng viên, biên tập viên báo chí tương lai. Giới và Truyền thông đại chúng cần được đưa vào Chương trình đào tạo cử nhân các ngành báo chí, truyền thông. Hiện học phần này mới chỉ được giảng dạy tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho sinh viên ngành Giới và Phát triển, và ngành Truyền thông đa phương tiện.
Thực hiện lồng ghép các quy định, hướng dẫn về giảm thiểu định kiến giới trong cẩm nang nghề báo, quy tắc tác nghiệp của các tòa soạn. Một khi trong tòa soạn có Bộ quy tắc về BĐG thì sẽ ít dần những bài viết mang tính đổ lỗi cho nạn nhân với các tít bài như: “Thanh tra kho bạc đánh vợ vỡ tim vì mặc váy ngắn đi ăn cưới”, “Chồng nóng tính, vợ càng phải mềm mỏng”... hay mang nặng định kiến như: “Phụ nữ không có năng khiếu, đừng cố cầm vô lăng”, “Phụ nữ ế không hạ tiêu chuẩn để lấy chồng”. Hoặc nội dung lập luận rằng “vũ khí tuyệt vời để khắc phục sự nóng nảy của người chồng chính là sự ngọt ngào, nhẹ nhàng của người vợ” hoặc những kiểu ví von trong diễn ngôn ở các tin, bài vô tình hạ thấp hình ảnh người phụ nữ như “tàu điện một ray như cô gái đẹp không làm được việc”, “nông sản Việt như cô gái đẹp chỉ ngồi ở nhà chờ người khác”.
Tăng cường chất và lượng của tin, bài về bình đẳng giới trên báo chí
Báo chí bên cạnh thông tin, phản ánh thì còn có vai trò dẫn dắt và định hướng. Trong môi trường số, mỗi tin, bài từ các trang báo thường được nhân bản lên hàng trăm, hàng ngàn tin bài trên các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Vì vậy, trong từng tòa soạn, khi bản thân các phóng viên, biên tập viên có kiến thức về BĐG thì nội dung chuyển tải trên các phương tiện truyền thông cũng sẽ từng bước bớt định kiến và tăng BĐG hơn. Qua đó, các hoạt động truyền thông của cơ quan báo chí sẽ có cơ hội lan tỏa rộng rãi trong môi trường số, tác động đến quan điểm, thái độ của cộng đồng dẫn đến kết quả làm thay đổi hành vi và thái độ về BĐG. Các khuôn mẫu giới về những công việc “phù hợp đối với trẻ em trai hay trẻ em gái; phù hợp với nữ giới hay nam giới sẽ giảm đi”.
Sự xuất hiện hình ảnh, chuyển tải thông điệp giữa nam và nữ trong các lĩnh vực sẽ trở nên cân bằng hơn. Ví dụ như tần suất xuất hiện trong các bài báo và bản tin giữa nữ giới và nam giới trên cương vị lãnh đạo sẽ cân bằng hơn không chỉ về số lượng mà còn trên cả các lĩnh vực nhân vật đề cập. Hình ảnh của những nữ lãnh đạo không nhất thiết cứ phải hoàn thành được vai trò kép là trách nhiệm trong gia đình của người phụ nữ truyền thống và công việc lãnh đạo của một phụ nữ hiện đại mới là những phụ nữ lý tưởng.
Tương tự như vậy, hình ảnh, vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa giáo dục... cũng trở nên hài hòa hơn. Khi thông tin cân bằng thì sẽ tác động đến nhận thức của công chúng và dần hình thành những chuẩn mực mới trong xã hội. Có những vấn đề thuộc về suy nghĩ, quan điểm thì phải thay đổi từ nhận thức chứ không phải ở những quy định bắt buộc.
Trách nhiệm của truyền thông, mạng xã hội
Việc từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trên môi trường mạng sẽ là cơ sở để lành mạnh hóa thông tin trên truyền thông, mạng xã hội. Tuy nhiên, để khiến cho những người tham gia thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử thì những phát biểu, hành vi không chuẩn mực trên không gian mạng xã hội cần phải dựa vào chế tài, thông qua luật pháp điều chỉnh. Các trang thông tin điện tử, mạng xã hội có một cộng đồng lớn nên những thông tin tích cực, cổ vũ cho BĐG nếu được đăng tải trên môi trường này sẽ lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng.
Vì vậy, những nhà quản trị mạng nếu được trang bị kiến thức về BĐG sẽ góp phần quan trọng vào việc lan tỏa những thông tin tích cực về giới. Những thông điệp về giới trên truyền thông xã hội sẽ thúc đẩy sự tham gia chủ động và chung tay hành động của cộng đồng đối với công tác BĐG, thúc đẩy phát triển bền vững./.