Bảo tàng Báo Chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật quý từ Nhật Bản

12-09-2023 14:20

Sáng 12/9/2023, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ Tiếp nhận hiện vật của GS.TS Shunsuke Murakami, Giáo sư danh dự Đại học Senshu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học xã hội, Đại học Senshu, Nhật Bản, trao tặng Bảo tàng. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023), là dịp thể hiện tình hữu nghị chặt chẽ giữa hai quốc gia.

Tham dự buổi lễ có TS. Đặng Thị Việt Phương, Trưởng phòng An sinh xã hội và Công tác xã hội, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS Ngô Vương Anh, Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân; PGS.TSKH Bùi Quang Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; Nhà báo Cù Xuân Trường, Trưởng ban Quốc tế - Báo Hà Nội mới; Nhà báo Hải Giang, Phó Trưởng Ban Chuyên san - Báo Hà nội mới. 

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có: Nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Nhà báo Trần Thái Sơn, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo cơ quan TW Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Chi bộ Bảo tàng Báo chí và Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam; bà Bùi Thuý Vinh, Phó Bí thư Chi bộ Bảo tàng Báo chí và Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam; cùng các đồng chí là lãnh đạo các Ban, đơn vị trong cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; phóng viên các cơ quan báo chí, thầy cô và sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Việt Nhật…

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam - đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật của GS.TS Shunsuke Murakami

Tại buổi lễ, GS.TS Shunsuke Murakami đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam cuốn sổ tập hợp các bài báo trích từ Nhật báo Asahi Shimbun về sự kiện 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam mà Giáo sư Murakami đã dày công sưu tầm và gìn giữ suốt gần 50 năm qua. Tất cả các bài viết trong sổ sưu tập báo chí mà Giáo sư Murakami trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đều là các bài báo đăng trên Nhật báo Asahi Shimbun - tờ báo thể hiện sự ủng hộ và dành nhiều thiện chí với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam - đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với Giáo sư Shunsuke Murakami, người đã đóng góp đáng kể trong việc thu thập tài liệu và tạo ra bộ sưu tập về lịch sử Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng nhấn mạnh mối quan hệ quốc tế và tình hữu nghị với Nhật Bản và các đối tác trên thế giới, đồng thời trân trọng các đóng góp và hiện vật từ các vị khách quốc tế.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam - đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam tặng hoa và quà lưu niệm cho GS.TS Shunsuke Murakami

GS.TS Shunsuke Murakami là Giáo sư danh dự thuộc Đại học Senshu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội, Đại học Senshu (Nhật Bản) là người có nhiều tình cảm sâu sắc và gắn bó với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu xã hội, báo chí...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

Từ khi còn là thiếu niên, những hình ảnh mà báo chí Nhật Bản đưa tin về chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã để lại cho Giáo sư Murakami nhiều cảm xúc mãnh liệt. Trở thành sinh viên Đại học trong giai đoạn cuộc chiến ở Việt Nam vẫn đang diễn ra khốc liệt, ông đã từng xuống đường tham gia phong trào sinh viên phản chiến nhằm kêu gọi nền hòa bình, độc lập cho Việt Nam. Ông tiếp tục duy trì mối quan tâm đặc biệt đối với các diễn biến chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, các tin tức thời sự về sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với Giáo sư. Ông bày tỏ: “Tôi rất kính trọng sự kiên nhẫn và kỷ luật của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến nhiều gian khổ và mất mát đó”.

GS.TS. Shunsuke Murakami đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1997 khi còn là nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội thuộc Đại học Senshu. Sau đó, ông đến Việt Nam nhiều lần trong vai trò Trưởng ban hoặc Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội. Đây là lần thứ chín Giáo sư trở lại Việt Nam và tham dự Hội thảo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Cùng chuyên mục

Tin mới